* Giải thưởng Doanh nhân trẻ xuất sắc ông vừa đạt được đã phần nào khẳng định thành công của một nhà điều hành. Tuy nhiên, nếu xét về mặt kinh doanh, cơ cấu tổ chức..., có vẻ DXG chưa phát triển đúng tầm vì trong hai năm trở lại đây, kết quả kinh doanh và hoạt động có nhiều biến động?
- Khi thành lập DXG, chúng tôi đã chuẩn bị chiến lược phát triển dài hạn cho toàn bộ Tập đoàn. Sau đó, chúng tôi phân chia theo từng kỳ (1 kỳ/10 năm). Trong 10 năm này, chúng tôi lại tách thành các phân đoạn từ 3-5 năm.
Câu chuyện kinh doanh của DXG xoay quanh ba mảng chính là bất động sản (BĐS), khoáng sản và xây dựng. Song, để phát triển dài hơi, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là dành hẳn 10 năm để xây dựng thương hiệu.
Trong đó, lấy BĐS làm "át chủ bài", còn những ngành như: khai thác mỏ cát, đá... là để hỗ trợ cho công tác xây dựng, riêng mảng thi công sẽ giúp chúng tôi kiểm soát được chi phí, chất lượng và tiến độ công trình.
Kể từ lúc thành lập DXG (năm 2003), tôi đã có ba lần tái cấu trúc công ty với mục đích định hướng lại phân khúc, dòng sản phẩm và năng lực của DXG để xem có phù hợp với tình hình thị trường hay không.
Ở giai đoạn đầu, chúng tôi nhắm đến việc mở rộng hệ thống dịch vụ (phân phối), sau đó chuẩn bị lên sàn và chuyển sang đầu tư sản phẩm (chủ yếu là đất nền khu dân cư có giá dưới 700 triệu đồng/nền và căn hộ dưới 20 triệu đồng/m2).
Nhìn lại, điều chúng tôi đã làm được trong thời gian qua là tạo dựng được đội ngũ nhân sự, tham gia sân chơi tài chính (niêm yết) và quản trị trước cuộc khủng hoảng. Chính khủng hoảng đã tạo nên tôi và Đất Xanh.
* Ông không ngại khủng hoảng và dường như đã có dự trù?
- Tôi cho rằng, khủng hoảng hiện nay sẽ còn kéo dài đến năm 2014. Thương trường sẽ khó tránh khỏi những lúc khó khăn. Song, càng khó thì cơ hội càng nhiều, quan trọng là chúng ta nắm lấy cơ hội đó như thế nào.
Trong lúc người khóc sợ hãi, mình phải là người dám làm, dám thực hiện, hoặc cũng có thể đứng lại quan sát người khác làm đúng hay sai để tự điều chỉnh, chứ không phải người ta làm cái gì mình cũng lao vào.
Chúng tôi cũng vừa hoàn thành kế hoạch 10 năm tới, trong đó, DXG đặt mục tiêu 5 năm tới, sẽ đóng thuế 1.000 tỷ đồng/năm, đảm bảo lợi nhuận cho cổ đông và chế độ tốt cho nhân viên, vì công ty chính là ngôi nhà thứ hai của họ... Tuy thế, chúng tôi luôn nuôi mục tiêu năm 2018 sẽ đưa DXG niêm yết trên sàn Nasdaq!
* Liệu có quá sớm và quá "hớp" để đưa ra những kế hoạch lớn lao này, vì những tập đoàn nước ngoài phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm để thực hiện điều đó, thưa ông?
- Đến 2018, DXG thành lập được 15 năm, tôi cho rằng, đối với một doanh nghiệp có chừng đấy năm phát triển không phải quá lâu, nhưng cũng không phải quá trễ để làm những việc lớn. Hơn nữa, Việt Nam cũng mới có Luật Doanh nghiệp vào năm 1995, nhìn lại, trong hơn 400.000 doanh nghiệp hiện phải có đến 98% là thành lập từ năm 2000 trở lại đây, chỉ 2% là có "tuổi".
Dù đi sau nhưng quan trọng là cách mình làm. Ngay từ bây giờ, chúng tôi đã tuyển những người từng làm ở môi trường quốc tế để thay đổi dần văn hóa công ty.
Chẳng hạn, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của DXG đã có 20 năm làm việc ở Mỹ, những vị trí chủ chốt khác, có người từ VinaCapital sang, có người từ Unilever... đều tốt nghiệp MBA tại Mỹ. Chúng tôi muốn xây dựng đội ngũ lãnh đạo có tư duy lớn, thuyền nhỏ ở sông nhưng khi ra biển phải có tàu lớn.
Một khi môi trường công ty được quốc tế hóa, việc chúng tôi tuyển người nước ngoài hay có đối tác ngoại tham gia sẽ trở nên dễ dàng hơn. Dĩ nhiên, để có những con người vận hành chiến lược này, chúng tôi sẽ phải trả chi phí cao.
Trong khi đó, ở mảng kinh doanh, chúng tôi nhắm đến những người dày dạn kinh nghiệm. Hiệu quả hoạt động tốt hay xấu của công ty sẽ phụ thuộc vào sự kết hợp giữa hai bộ phận này. Có thể mục tiêu này lớn lao nhưng làm kinh doanh mà, không nhận biết được thì sẽ luôn là người đi sau.
Cũng như năm 2007, mọi người đổ xô làm căn hộ, trong khi nguyên tắc kinh tế lại đi theo hình sin, sẽ có lúc lên, lúc xuống; lên càng cao sẽ xuống càng sâu. Hơn nữa, 65% dân số của Việt Nam ở độ tuổi trẻ, thu nhập trung bình, chưa có nhà nên chúng tôi nhắm vào đối tượng này.
* Việc gia nhập sàn chứng khoán Mỹ không chỉ là vấn đề cơ cấu, mức độ minh bạch thông tin..., mà doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị về tài chính tương đối. Trong khi với DXG, quy mô vốn còn khiêm tốn, đồng thời, cơ cấu cổ đông nước ngoài tham gia vào DXG chủ yếu ở dạng cá nhân. Thiếu sự quan tâm của các tổ chức quốc tế lớn, liệu DXG có đủ sức để tham gia sàn ngoại?
- Khi chúng tôi tham gia "sân chơi" tài chính đã có nhiều nghi vấn tại sao DXG lại chọn thời điểm khó khăn như năm 2009 để niêm yết, tôi mới nói với nhân viên rằng, chúng ta phải niêm yết ngay trong thời điểm khó khăn nhất để đo lường được năng lực cạnh tranh của DXG đến đâu và kịp thời chỉnh sửa theo hướng tích cực hơn.
Tuy nhiên, khi niêm yết, chúng tôi thấy tốt hơn. Còn để thực hiện kế hoạch đến năm 2018, chúng tôi cũng vừa ký kết với một đối tác tư vấn nước ngoài nhằm chuẩn hóa quy trình quản trị và những chuẩn mực khi lên sàn quốc tế, cũng như đang cơ cấu lại cổ đông nước ngoài.
Mục tiêu này cũng đồng nghĩa với tham vọng đến năm 2020, tổng vốn của DXG là 20 nghìn tỷ đồng và tổng tài sản là 50 nghìn tỷ đồng. Con số 20 nghìn tỷ đồng nghe có vẻ to tát nhưng câu chuyện gần như chẳng là gì nếu là 15-20 năm nữa.
Điển hình, năm 1990-1992, doanh nghiệp nào lớn cũng chỉ có 10 tỷ đồng, đến năm 2000 là 1.000 tỷ đồng. Trong khi hiện nay, các doanh nghiệp lớn đều có 20-30 nghìn tỷ đồng. Hơn nữa, 20 nghìn tỷ đồng ở Việt Nam lớn nhưng chỉ tương đương khoảng 500 triệu USD, con số này quá bé khi tham gia sàn ngoại.
* Hiện nay, mức độ quan tâm của các tổ chức nước ngoài đối với DXG như thế nào, thưa ông?
- Hiện có nhiều đối tác lớn muốn tham gia vào DXG, có 6-7 đối tác trong nước, chúng tôi chọn được 3 đối tác là: FPT, Ngân hàng Tiên Phong, Ngân hàng Việt Á và đối tác nước ngoài từ Nhật. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có thêm 3-4 đối tác nước ngoài tham gia vào DXG để chuẩn bị nguồn tài chính.
Chúng tôi có tham vọng mở rộng quy mô trong lộ trình 2018. Dù năm 2011, kết quả kinh doanh của DXG có giảm, nhưng xét về tốc độ tăng lợi nhuận so với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành thì chúng tôi vẫn tốt hơn. Riêng từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã hoàn thành 70% kế hoạch.
Hơn nữa, DXG đã bước vào giai đoạn mua và hợp tác phát triển dự án. Chúng tôi không nợ ngân hàng và cũng không có ý định thoái vốn khỏi các công ty liên kết mà chỉ mua vào (mua toàn bộ cổ phần tại Công ty Đầu tư Phát triển TP.HCM và Công ty Long Kim Phát).
Chúng tôi sẽ còn tích lũy và mua thêm một số dự án để phát triển sản phẩm phục vụ số đông.
* Nếu đã xác định sản phẩm mình làm ra để phục vụ số đông, tại sao năm 2005, khi thị trường căn hộ chưa phát triển, ông lại thành lập sàn giao dịch ở loại hình này?
- Người ta nói tôi là "kẻ đi ngược, kẻ ngược đời" nhưng với tôi, đi làm kinh doanh mình phải có cái riêng. Tôi thích "khi người ta sợ hãi thì mình phải tham gia". Năm 2001-2002, chúng tôi làm về du lịch, xây dựng là nhiều.
Cho đến năm 2003, thị trường BĐS đang sôi động về đất, công ty nào cũng đi buôn đất thì tôi mở Công ty Đất Xanh làm mảng cho thuê. Tôi tư vấn cho những người có nhu cầu đi thuê, bán các giải pháp thành lập nhà hàng, thuê nhà giá tốt... và tôi đã thành công.
Cho đến cuối năm 2004, đất đai xuống, ai cũng đổ qua lĩnh vực tôi đang làm, cạnh tranh lớn nên một mặt tôi vẫn giữ mảng cho thuê, mặt khác tạo ra mảng mới là nhà ở.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, TP.HCM chỉ có vài chung cư cũ. Khi xem lại quy hoạch, tôi nhận thấy, trong tương lai sẽ có nhiều dự án làm về hạng mục này nên tôi lập bộ phận làm về căn hộ, cho nhân viên đi nghiên cứu thị trường nhưng ai cũng bảo "chỉ người nghèo mới ở chung cư”. Còn bản thân tôi thì đi tư vấn hết công ty này đến công ty nọ kêu gọi làm chung cư, không ai tin.
Khi đó, tôi gặp được đại diện Công ty Hải Long (tại Bình Dương) và thuyết phục họ xây dựng chung cư Sóng Thần, nhưng khổ nỗi làm xong không ai mua. Đến sáu tháng sau mới bán được một sản phẩm và ba tháng tiếp theo tôi may mắn bán được mấy trăm căn. Đó cũng là lý do khiến tôi lấy khẩu hiệu: "Mua chung cư hãy đến Đất Xanh".
Song, cũng ngay trong năm 2004-2005, đất nền đóng băng, người ta nhảy vào chung cư, tôi lại trở về làm đất nền ở TP.HCM, Bình Dương (2006-2007). Cuộc "rượt đuổi" này lại tiếp diễn khi năm 2008, căn hộ gặp khó, người ta lại đổ xô về tỉnh lẻ làm đất nền thì tôi quay sang làm căn hộ với dự án Sunview nhưng ở phân khúc bình dân chứ không cao cấp vì tôi nghĩ số người giàu cũng có giới hạn, cung nhiều biết bán cho ai?
* Xin cảm ơn ông và chúc cho Đất Xanh luôn xanh màu hy vọng!