Ông Huỳnh Đức Thơ. |
Phóng viên: Đà Nẵng đang cụ thể hóa năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng những việc làm rất cụ thể. Ông đánh giá thế nào về hiệu ứng với các nhà đầu tư sau chuyến công tác kéo dài nhiều ngày tại Hoa Kỳ và Canada vừa qua?
Ông Huỳnh Đức Thơ: Chuyến công tác này nằm trong kế hoạch của UBND thành phố nhằm đón đầu cơ hội đến từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đây là cơ hội hết sức thuận lợi cho thu hút FDI vào Việt Nam cũng như Đà Nẵng khi các doanh nghiệp Mỹ và Canada đang có xu hướng chuyển dịch nhà máy và đơn hàng từ Trung Quốc sang các thị trường lân cận. Riêng đối với Canada, đây là thị trường nổi lên như nhân tố mang tính đột phá về mặt đối tác đối với Việt Nam trong số 11 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đà Nẵng sẽ tận dụng những cơ hội từ CPTPP để tạo nên cú hích trong thúc đẩy đầu tư, thương mại từ thị trường Canada.
Thành phố đã lên kế hoạch sớm và triển khai chu đáo nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Các sở, ban, ngành có liên quan chủ động trong việc xác định đối tác chính, xây dựng lịch làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm năng trong lĩnh vực thành phố đang ưu tiên kêu gọi đầu tư. Tôi nghĩ sự “cầu thị” này đã tạo được ấn tượng tốt với các nhà đầu tư và thu hút được nhiều sự quan tâm về các sự kiện do thành phố tổ chức. Họ đặc biệt đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động và môi trường sống lý tưởng. Đặc biệt là sự kiện Tọa đàm “Da Nang Business Roundtable” tại Silicon Valley, Hoa Kỳ và Tọa đàm “Kết nối Kinh doanh đầu tư” tại Toronto, Canada mang lại rất nhiều kết quả.
Bên cạnh việc giới thiệu môi trường đầu tư đến các đối tác tiềm năng, thành phố làm việc với các nhà đầu tư hiện hữu nhằm cập nhật và thúc đẩy tình hình triển khai các dự án, trong đó ưu tiên đặc biệt đến Dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của Công ty UAC và Dự án sản xuất thiết bị y tế của Công ty Alton Industry. Chúng tôi cũng được tỷ phú Joe Lewis mời tham gia khảo sát các dự án về bến du thuyền và ngành công nghiệp du thuyền tại bang Florida để học hỏi kinh nghiệm phát triển dự án Trung tâm Du thuyền quốc tế tại Đà Nẵng.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ những kết quả cụ thể đã đạt được sau Tọa đàm “Da Nang Business Roundtable”?
Ông Huỳnh Đức Thơ: Tọa đàm “Da Nang Business Roundtable” có hơn 100 đại biểu là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức và hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ tham dự. Các phản hồi nhận được sau sự kiện khá tích cực. Các nhà đầu tư đều nhận định Đà Nẵng là một điểm đến hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, môi trường sống và các thủ tục hành chính luôn được quan tâm cải cách.
Tại Thung lũng Silicon, có ba Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào thành phố Đà Nẵng trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin được ký kết. Cụ thể, bản ghi nhớ thứ nhất giữa Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng với Ai20X Silicon Valley về hợp tác trong việc xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao. Đối tác khẳng định Đà Nẵng là nơi tốt nhất để ươm tạo, thích ứng, đổi mới công nghệ và cũng là cửa ngõ chuyển giao công nghệ sang mở rộng thị trường và ứng dụng, tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển đội ngũ chuyên gia. Nhà đầu tư cũng ký bản ghi nhớ với Công ty CP Phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng về hợp tác và cung cấp những dịch vụ xây dựng, phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng như là một “Thung lũng Silicon Valley mở rộng”. Tiếp đó là bản ghi nhớ hợp tác giữa Cty Meritronics AMT với Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng về việc cùng thành lập Công ty cổ phần “Trung Nam Meritronics Technology” cung cấp các Dịch vụ sản xuất điện tử tại Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng.
Phóng viên: Đà Nẵng lấy gì để thuyết phục các nhà đầu tư Hoa Kỳ?
Ông Huỳnh Đức Thơ: Như tôi đã nói ở trên, các nhà đầu tư Hoa Kỳ rất ấn tượng với môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố. Đối với họ, Đà Nẵng có những lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác về môi trường sống ổn định, an toàn, cơ sở hạ tầng phát triển, thị trường lao động dồi dào, chi phí hợp lý nhất trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực thành phố đang kêu gọi đầu tư chính là mối quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ có thế mạnh và đang có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất như công nghệ thông tin, thiết bị điện tử, hàng không vũ trụ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp hỗ trợ, bất động sản, y tế và giáo dục. Sự tương xứng giữa “cung” và “cầu” chính là lý do giải thích vì sao các nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Đà Nẵng là một trong những điểm đến đầu tư tiềm năng tại Việt Nam.
Ngoài ra, những chia sẻ của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang triển khai dự án tại thành phố cũng giúp chứng minh với các nhà đầu tư tiềm năng rằng Đà Nẵng thật sự là một thành phố đáng sống, đáng đầu tư. Trong sự kiện “Da Nang Business Roundtable” tại Sillicon Valley, ông Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành Công ty UAC với dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine đã chia sẻ những kinh nghiệm khi đến làm việc tại thành phố. Những phản hồi tích cực của ông đã giúp chúng tôi củng cố thêm niềm tin đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, với việc các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm điểm đến mới cho dòng vốn đầu tư, tôi nghĩ với các lợi thế sẵn có, Đà Nẵng hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để chào đón một làn sóng đầu tư đến từ Hoa Kỳ. Việc này cũng sẽ nâng bậc vị trí xếp hạng của các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Đà Nẵng vốn đang đứng thứ 3 về tổng vốn đăng ký đầu tư, khoảng 595 triệu USD với 63 dự án.
Phóng viên: Môi trường đầu tư của Đà Nẵng thời gian qua ít nhiều bị tác động bởi các khó khăn mà thành phố phải tập trung giải quyết. Những vấn đề đó có ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư mới hay không?
Ông Huỳnh Đức Thơ: Chính quyền thành phố cam kết tạo môi trường đầu tư thật sự minh bạch, thông thoáng với các chính sách hỗ trợ nhất quán đối với mọi nhà đầu tư. Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án, thành phố đã tổ chức các buổi đối thoại thường kỳ và đôn đốc các sở, ban, ngành giải quyết trên tinh thần trách nhiệm cao trong thời gian ngắn nhất. Công tác hoàn thiện cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư đang được đặc biệt chú trọng.
Bên cạnh đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2756/QĐ-UBND ngày 24-6-2019 phê duyệt đề án một cửa liên thông về thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài các Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung nhằm cải cách các thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa các chi phí cho nhà đầu tư.
Tận dụng những lợi thế và kết quả đạt được trong những năm vừa qua, năm 2019 được chọn là “Năm Tiếp tục Đẩy mạnh thu hút đầu tư”, thành phố đã từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển thành phố. Đồng thời, tập trung điều chỉnh quy hoạch chung để có những tác động tích cực đến việc triển khai các dự án trọng điểm, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Kể từ khi ký kết hợp đồng lựa chọn nhà thầu tư vấn với Surbana Jurong tại Tọa đàm mùa Xuân 2019, công tác điều chỉnh, rà soát quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được cả hai bên tích cực phối hợp thực hiện. Tôi hy vọng thành phố sẽ sớm chào đón thêm nhiều nhà đầu tư, nhiều dự án lớn hơn nữa trong thời gian đến.
Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất trong 3 năm gần đây Trong 9 tháng đầu năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài của Đà Nẵng cao nhất trong 3 năm qua với 101 dự án FDI cấp mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký 416,348 triệu USD (tăng 224,08% so cùng kỳ năm 2018: có 98 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký là 52,355 triệu USD). Hiện có 11 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 117,32 triệu USD (tăng 6.297,36% so cùng kỳ năm 2018: 11 dự án với tổng vốn tăng thêm 1,863 triệu USD). Trong 9 tháng có 130 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp với giá trị 98,564 triệu USD (tăng 319,22% so cùng kỳ năm 2018: có 148 lượt với giá trị là 30,876 triệu USD). Lũy kế đến ngày 15-9, trên địa bàn thành phố có 783 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3,4 tỷ USD. Điều này chứng tỏ những nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được các nhà đầu tư ghi nhận. |