Giữa thế kỷ 20 tại Hàn Quốc, dòng sông Cheonggyecheon xinh đẹp chảy qua Thủ đô Seoul từng bị ô nhiễm và san lấp nặng nề do quá trình sinh hoạt và công nghiệp hóa. Sau gần 50 năm con sông chết lặng dưới lớp bê tông, Hàn Quốc quyết định tái sinh thủy lộ Cheonggyecheon, để đến năm 2005 con sông trở lại đầy sức sống.
Sông Cheonggyecheon - nguồn sinh khí tươi trẻ giữa thủ đô Seoul ngày nay. |
Không chỉ Hàn Quốc mà nhiều quốc gia trên thế giới đã từng cứu rỗi các con sông, vực dậy nguồn sinh khí cho sự phát triển của các đô thị phồn vinh. Ngày nay, tại Việt Nam, một dự án đầy tham vọng khác cũng đang được thực hiện: Khơi thông dòng sông Cổ Cò - con đường huyết mạch nối thành phố trẻ Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An. Dòng sông này hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể cùng sông Hàn biến thủ phủ miền Trung trở thành một “đô thị dòng chảy” mới của thế giới.
Dòng chảy và địa hình: Con sông đi qua nhiều di sản
Sông Cổ Cò chảy dài theo bờ biển theo hướng Bắc - Nam, nối sông Hàn của Đà Nẵng với sông Thu Bồn, Quảng Nam. Con sông sở hữu một hành trình tuyệt đẹp, uốn lượn ôm ấp từng thớ đất của miền duyên hải rồi đổ ra biển Đông. Nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, khu du lịch sinh thái từ lâu đã được hình thành dọc hai bên bờ, khiến cho Cổ Cò trở thành một dòng sông sơn thủy hữu tình, địa thế hiếm có.
Từ núi Ngũ Hành Sơn xuôi về phố cổ, sông Cổ Cò chảy qua khu di tích cách mạng căn cứ K20, khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia, đến làng rau Trà Quế, len lỏi qua khu di tích cách mạng Rừng Dừa Bảy Mẫu trứ danh phố Hội, xuôi dòng ra cửa biển đáp bến tàu Cửa Đại…
Sông Cổ Cò đã sống cùng người Quảng Nam - Đà Nẵng qua hàng thế kỷ, trở thành một dòng sông văn hóa với đầy đủ vẻ đẹp nguyên sơ và tài nguyên trù phú. Tuy nhiên, dòng chảy con sông đã bị đứt quãng từ thế kỷ 19 do phù sa bồi lấp và các dự án phân lô đất nền, xây dựng khu du lịch, đô thị về sau.
Dự án khớp nối sông Cổ Cò vừa qua được UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam quyết định hoàn thành trước tháng 9/2020 với tổng chi phí đồng bộ, chỉnh trang dòng sông lên đến 1.500 tỷ đồng, sẽ đưa sông Cổ Cò sống dậy đúng với sắc vóc của mình ngày trước.
Sức hút từ tuyến đường du lịch 5 sao
Theo số liệu của Sở Du lịch thành phố, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng trong năm 2018 đạt hơn 7,6 triệu lượt, tăng gấp 6 lần so với số liệu năm 2008 với 1,26 triệu lượt. Trong khi đó, lượng khách du lịch đến Hội An cũng đã tăng gấp 5 lần từ 1,1 triệu lượt năm 2008 đến gần 5 triệu lượt năm 2018.
Đến nay, sau 10 năm nhìn lại cuộc trường chinh về du lịch, thành phố Đà Nẵng và Hội An đều đã trở thành những đô thị cá tính và đầy sức hút. Trước cơ hội và thách thức khi thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông, làm nền tảng cho ngành Du lịch bứt phá.
Tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa đắt giá bậc nhất thành phố. |
Đặc biệt, dựa vào địa thế tự nhiên của biển và “tuyến dòng chảy” sông Hàn - sông Cổ Cò, tuyến đường bộ đã được thiết lập. Dọc theo các cung đường “tỷ đô”: Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Trần Đại Nghĩa... nhiều khu đô thị như FPT, Cocobay, Danang Pearl, khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đã được hình thành, tạo ra một mối liên kết vùng vững chắc giữa hai thành phố.
Tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng
Trong bối cảnh ngành du lịch đô thị cổ Hội An đang cần giảm sức ép và thành phố Đà Nẵng chủ trương kiểm soát các dự án ven biển để mở cửa đô thị về phía Nam, “đô thị dòng chảy” bên sông Cổ Cò được xem là vùng đất tương lai của bất động sản nghỉ dưỡng.
Hiện nay, dọc theo tuyến sông Cổ Cò, nhiều khu nghỉ dưỡng, sân golf hạng sang như The Ocean Villas, BRG, Montgomerie Link… đã lần lượt mọc lên, tạo ra một diện mạo sống động cho miền đất hứa.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, khi dự án khớp nối sông Cổ Cò đi vào hoàn thiện, một kỳ quan độc đáo khác sẽ xuất hiện One World Regency. Khu đô thị đẳng cấp này được kỳ vọng sẽ mang tinh hoa văn hóa thế giới hội tụ bên dòng sông Cổ Cò.
Trong kế hoạch xây dựng đô thị về phía Nam thành phố Đà Nẵng, sông Cổ Cò khơi thông cũng sẽ mở ra cơ hội lớn cho các chủ đầu tư để xây dựng các khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái… nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông. Do đó, một “đô thị dòng chảy” đúng nghĩa hoàn toàn có thể được thiết lập bên dòng sông Cổ Cò.
Khu đô thị One World Regency sẽ khoác thêm tấm áo mới cho “đô thị dòng chảy” ven sông Cổ Cò. |
Năm 2018, Đà Nẵng xây dựng đề án thu hút vốn đầu tư và đạt được kết quả ấn tượng: 117 dự án FDI, tổng vốn gần 154 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với số liệu năm 2017. Năm 2019 tiếp tục được UBND thành phố chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”; trong đó, du lịch là 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn.
Dự án khơi thông dòng sông Cổ Cò, xây dựng hình thái của một “đô thị dòng chảy” kết nối Đà Nẵng - Hội An vì thế có một chỗ đứng vô cùng quan trọng, vừa dựa vào chính sách, vừa là đòn bẩy chiến lược để ngành du lịch hai thành phố tiếp tục hút vốn đầu tư.