Quá khứ phồn thịnh của sông Cổ Cò
Nhiều thế kỷ trước, sông Cổ Cò nối cảng Đà Nẵng với thương cảng Hội An, được ví như "con đường tơ lụa" để các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa ra vào, buôn bán giữa hai vùng. Do ở vị trí cuối sông và đầu biển, Cổ Cò là một vùng nước lợ có nhiều thủy sản, người dân gần đó sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt. Dọc bờ sông là các danh thắng nổi tiếng hữu tình.
Các chuyên gia cho biết, sông Cổ Cò là tuyến hàng hải quan trọng làm nên một thương cảng Hội An sầm uất, góp phần xây dựng nền kinh tế vững chãi cho nhiều đời Chúa Nguyễn trong hành trình mở rộng về phương Nam. Tuy nhiên, qua thời gian, do sự biến thiên của khí hậu, thổ nhưỡng, sông dần bị bồi lấp và không còn được thông suốt như trước kia.
Khi được khơi thông, dòng sông sẽ kết nối bằng đường thủy những địa điểm du lịch bậc nhất như phố cổ Hội An, danh thắng Ngũ Hành Sơn, hạ lưu sông Hàn, bán đảo Sơn Trà... 28km bờ sông sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái với các khu đô thị nghỉ dưỡng kiểu mẫu, những không gian dừng chân thư giãn, cùng vô số khu mua sắm hấp dẫn khách du lịch trong, ngoài nước. Nhận thấy ý nghĩa quan trọng của dòng sông huyết mạch một thời, mới đây, UBND Thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất phương án nạo vét, khớp nối thông luồng sông Cổ Cò trước tháng 9/2020. Hơn 1.000 tỷ đồng đã được tỉnh Quảng Nam dự kiến đầu tư cho việc đồng bộ, chỉnh trang dòng sông. Hai địa phương cũng thống nhất sẽ triển khai các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông.
Một chuyên gia nhận định: "Khơi thông dòng sông Cổ Cò chính là góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đà Nẵng và Quảng Nam. Quá khứ phồn thịnh của thương cảng Hội An sầm uất, tấp nập thuyền ra vào sẽ được tái hiện".
Tương lai của những đô thị ven sông
Với hơn 4,3 triệu lượt khách tới Đà Nẵng và 4 triệu lượt khách tới Hội An trong 6 tháng đầu năm nay, loại hình du lịch đường sông trên sông Cổ Cò được kỳ vọng trở thành lựa chọn mới lạ cho nhiều du khách.
Trên thế giới, các thành phố bên sông nhờ du lịch mà phát triển mạnh mẽ với các con phố thương mại, dịch vụ, giải trí đáp ứng nhu cầu mua sắm, lưu trú của khách du lịch. Điển hình sông Danube chảy từ rừng Đen (Đức) đến biển Đen (Romania) đi qua Áo, Slovakia, Hungary, Serbia; Bulgaria với hành trình du ngoạn nổi tiếng kéo dài một tuần giữa Budapest, Hungary và Passau, tới sát với đường biên giới nước Áo.
Hay như con sông Neva dài 74km, chảy từ hồ Ladoga qua eo đất Karelia và thành phố St Petersburg (Nga) vào vịnh Phần Lan. 28km chảy qua St Petersburg có vô số những công trình kiến trúc nổi tiếng trở thành điểm dừng chân của các tour du lịch như cung điện Mùa Đông, thánh đường Isaacs. Riêng năm 2018, thủ đô miền Bắc của Nga đã đón hơn 8,2 triệu lượt du khách.
Các chuyên gia phân tích, tham chiếu với dòng sông Cổ Cò tương lai, khi du lịch trên sông phát triển sẽ chắp cánh cho những khu đô thị du lịch, dịch vụ ven sông tăng trưởng. Giống như thành phố du lịch St Petersburg (Nga) có con sông Neva chảy qua, những dự án có quy hoạch hạ tầng, tiện ích đồng bộ sẽ mở ra cơ hội kinh doanh dịch vụ du lịch, mua sắm, lưu trú, giải trí sôi động.
Tại Đà Nẵng, khu vực Đông Nam đang trở thành tâm điểm phát triển của thành phố sông Hàn với nhiều resort, khách sạn sang trọng, casio, trung tâm thương mại quy mô lớn... Bãi tắm Sơn Thủy cùng biểu tượng văn hóa, tuyệt tác cảnh quan thiên nhiên Ngũ Hành Sơn ở phía Đông Nam cũng luôn tấp nập khách du lịch.
Năm 2020, khi hai đầu dòng sông Cổ Cò hòa làm một, du khách sẽ dễ dàng dong thuyền từ Hội An ra Đà Nẵng. Lịch trình khám phá "thủ phủ du lịch miền Trung" sẽ gọi tên thêm nhiều điểm dừng chân, vui chơi, giải trí mới lạ ở các khu đô thị hiện đại ven sông phía Đông Nam thành phố.